Ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp

Đồng Tháp nằm giữa vùng sinh cảnh của sông Tiền và sông Hậu với mạng lưới các chi lưu dày đặc, được đánh giá là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên đẹp, còn giữ được nhiều cảnh sắc hoang sơ. Vùng Đồng Tháp Mười có cảnh quan sinh thái ngập úng, là căn cứ địa chống Pháp, chống Mỹ trong các thời kỳ giải phóng dân tộc, do đó Đồng Tháp có nhiều di tích lịch sử và văn hóa có sức lôi cuốn khách du lịch cả trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tham quan, thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch như du khảo, du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn…

Tổng lượng khách du lịch đến Đồng Tháp tăng từ 60.026 lượt người năm 1995 lên 68.597 lượt người năm 2000 và 131.090 lượt người năm 2005. Lượng khách quốc tế tăng rất nhanh trong giai đoạn 1996-2000 với tốc độ tăng bình quân 23,5%/năm và tiếp tục tăng từ năm 2001-2006. Ngoài lượng khách do các cơ sở lưu trú và cơ sở lữ hành phục vụ còn có một lượng khách đến tham quan, hành hương tại các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh,năm2005 là 449.151 khách trong đó có 380 khách quốc tế. Doanh thu ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp năm 2006 là 48.957 triệuđồng .

Về tiềm năng cho phát triển du lịch, tỉnh Đồng Tháp có:

– Tài nguyên thiên nhiên: Đồng Tháp có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước (Vườn Quốc gia Tràm Chim – Tam Nông), Khu sân chim và rừng tràm Gáo Giồng, Cồn Tiên (Lai Vung), Cồn An Hiệp (Châu Thành), Cồn Đông Giang (thị xã Sa Đéc), Cồn Bình Thạnh (Cao Lãnh), Cồn Tô Châu (Thanh Bình), Cù lao Long Khánh (Hồng Ngự), nằm trong hệ thống sông ngòi chằng chịt và một số làng nghề truyền thống như đan thảm lát, đan lục bình, đan lợp, đan thúng, đan lưới, dệt chiếu, dệt khăn rằn… đặc biệt là khu vực hoa kiểng Sa Đéc có khả năng phát triển du lịch sinh thái, homestay.

– Tài nguyên nhân văn: Khu di tích Gò Tháp, khu du lịch Xẻo Quýt, khu mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số đình, chùa cổ đã được ghi vào sách sử. Mỗi đình đều có cúng Kỳ Yên hàng năm để cầu mong mưa thuận gió hòa, Quốc thái dân an. Cúng đình là đặc trưng của dân tộc ViệtNamvà cũng là ngày hội văn hóa của nhân dân địa phương.

Những năm qua, dịch vụ du lịch ở Đồng Tháp được tổ chức theo hướng khai thác du lịch sinh thái kết hợp du khảo sinh thái ngập nước và du lịch phong cảnh miệt vườn mang đậm bản sắc Nam Bộ là chủ yếu nhưng còn mang tính chất riêng lẻ chưa có sự phối hợp liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng và cả nước. Mặt khác, do sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có nét độc đáo nên hiệu quả mang lại chưa cao. Ban quản lý khu di tích, văn hóa, du lịch chưa chú trọng đến việc khai thác các dịch vụ du lịch, chất lượng dịch vụ còn ở mức thấp, chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Share This
COMMENTS
Comments are closed