Một số quan niệm về du lịch sinh thái

Trong những năm qua, DLST như một hiện tượng và xu thế phát triển ngày càngchiếm được sự quan tâm của các nước trên thế giới. Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng; phát triển DLST đã mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập quốc gia và thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, nơi có cảnh quan thiên nhiên, văn hóa hấp dẫn. Mặt khác, DLST còn góp phần vào việc nâng cao dân trí và sức khoẻ cộng đồng thông qua giáo dục môi trường, văn hóa, lịch sử và nghỉ ngơi giải trí. DLST là loại hình du lịch có trách nhiệm, thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, phát triển phúc lợi cộng đồng và đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Du lịch sinh thái (Ecotourism) là một khái niệm tương đối mới và nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều người thuộc các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhận thức thống nhất, còn nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm DLST. Các tổ chức và cá nhân tham gia nghiên cứu về loại hình du lịch này đều đưa ra những định nghĩa của riêng mình. Một trong những định nghĩa được coi là sớm về DLST mà đến nay vẫn được nhiều người quan tâm là định nghĩa của Hội DLST Quốc tế đưa ra năm 1991: "Du lịch sinh thái là loại hình du lịch có trách nhiệm đối với các vùng tự nhiên, bảo vệ môi trường và duy trì cuộc sống yên bình của người dân địa phương" [16, tr.11]. Định nghĩa này đề cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, giữ gìn, tôn tạo, tránh sự ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái, và cả cuộc sống của cư dân địa phương.

Theo quỹ bảo tồn động vật hoang dã (WWF – World Wild Fund): "Du lịch sinh thái đề cập tới các hoạt động du lịch đi tới các khu vực thiên nhiên hoang dã, gây tác động tối thiểu tới môi trường tự nhiên và cuộc sống của các loài động thực vật hoang dã trong khi mang lại một số lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương và những người bản địa phục vụ tại đó" [16, tr.11]. Ở định nghĩa này, cũng đề cập đến hoạt động của DLST, đó là các khu vực tự nhiên hoang dã và điều quan trọng là giảm thiểu những tác động tiêu cực đối môi trường tự nhiên, mang lại những lợi ích kinh tế cho cộng cư dân địa phương, những người bản địa làm việc trực tiếp trong ngành du lịch. Theo tổ chức du lịch thế giới (WTO – World Tourism Organisation): Du lịch sinh thái là loại hình du lịch được thực hiện tại những khu vực tự nhiên còn ít bị can thiệp bởi con người, với mục đích để chiêm ngưỡng, học hỏi về các loài động thực vật cư ngụ trong khu vực đó, giúp giảm thiểu và tránh được các tác động tiêu cực tới khu vực mà du khách đến thăm. Ngoài ra, du lịch sinh thái phải đóng góp vào công tác bảo tồn những khu vực tự nhiên và phát triển những khu vực cộng đồng lân cận một cách bền vững đồng thời phải nâng cao được khả năng nhận thức về môi trường và công tác bảo tồn đối với người dân bản địa và du khách đến thăm [16, tr.11]. Đây là một định nghĩa tương đối đầy đủ nó phản nội dung hoạt động cũng như những đặc điểm, mục đích của DLST. Đó là loại hình du lịch mang tính giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn giữ gìn môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá để đảm bảo cho sự phát triển bền vững ở những nơi mà du khách tới thăm quan. Tại hội thảo xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển DLST tháng 9-1999 tại Hà Nội: "Du lịch sinh thái là một loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương" [29]. Có thể nói đây là một định nghĩa đầu tiên của Việt Nam về DLST mang đầy đủ những ý nghĩa và nội dung của loại hình du lịch này. Nó được coi là cơ sở lý luận cho các nghiên cứu và ứng dụng thực tế việc phát triển DLST ở Việt Nam. Luật du lịch Việt nam (2005) đưa ra khái niệm DLST như sau: "Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững" [26, tr.11]. Mặc dù có thể khác nhau về diễn đạt và cách thể hiện nhưng trong các định nghĩa về DLST đều có sự thống nhất cao về nội dung ở bốn điểm: Thứ nhất, được thực hiện trong môi trường tự nhiên còn hoang sơ hoặc tương đối hoang sơ gắn với văn hoá bản địa. Thứ hai, hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn các đặc tính tự nhiên, văn hoá và xã hội. Thứ ba, có tính giáo dục môi trường cao và có trách nhiệm với môi trường. Thứ tư, phải mang lại lợi ích cho cư dân địa phương và có sự tham gia của cộng đồng cư dân địa phương. Các quan niệm trên về DLST đã tiếp cận theo nghĩa rộng bao quát được nội dung, tính chất, mục đích của DLST. Xét trên phạm vi nghiên cứu có thể cho rằng: Du lịch sinh thái phản ánh mối quan hệ tích cực của con người với tự nhiên. Trong đó con người hòa nhập vào tự nhiên, biến mình thành một bộ phận của tự nhiên, vừa khai thác tự nhiên, hưởng dụng vẽ đẹp, lợi ích của tự nhiên nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng ngoạn của mình, đồng thời nuôi dưỡng và phát triển tự nhiên, bảo đảm cho con người và tự nhiên một cuộc sống trường tồn.

Theo đó, du dịch sinh thái là hình thức phát triển du lịch bền vững. Nội dung hoạt động diễn ra trong môi trường thiên nhiên, không chỉ là loại hình du lịch thiên nhiên hấp dẫn, mà còn là du lịch có trách nhiệm, hỗ trợ các mục tiêu bảo vệ môi trường tự nhiên, các giá trị văn hóa bản địa, phát triển cộng đồng và có tính giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, duy trì các nguồn tài nguyên du lịch, tiến tới phát triển bền vững.

Mục đích lớn nhất của DLST là góp phần tăng trưởng kinh tế, xã hội của quốc gia và địaphương. Đây có thể coi là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển của DLST.Phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái là những mặt bổ sung cho nhau của cùng một chương trình hành động. Phát triển du lịch phải đi liền với bảo vệ môi trường. Nếu không bảo vệ được môi trường sinh thái thì du lịch sẽ không phát triển. Do đó phát triển DLST tương đồng với phát triển du lịch bền vững. Nếu không phát triển du lịch theo hướng bền vững thì việc bảo vệ môi trường sẽ thất bại. Do đó, vừa phải tuân theo xu hướng phát triển du lịch đồng thời phải bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, DLST còn đóng vai trò quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và địa phương. 

Share This
COMMENTS
Comments are closed