Núi non Dục Thúy – cảnh đẹp say đắm lòng người

Các vua nhà Hậu Lê cũng đặt hành cung ở trên núi này để đến nghỉ ngơi. Nhà Nguyễn cũng cho xây tường bao quanh, chòi canh thời Pháp, xưởng đúc súng ở trên núi. Núi Thuý còn là đề tài của các thi nhân xưa và nay. Hiếm có ngọn núi nào có trên 30 bài thơ văn khắc vào núi như núi Thuý và còn đến hàng trăm bài thơ vịnh cảnh của các nhà thơ qua các triều đại: Trần Anh Tông, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Nhậm, Ninh Tốn, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Phạm Văn Nghị…

Nước non Non Nước như thơ

Ai về Dục Thúy chẳng ngơ ngẩn lòng

Trên thì núi, dưới thì sông

Cúc vàng còn đó, hương nồng còn đây

 Núi Dục Thúy còn là một chứng nhân lịch sử, một minh chứng cho tinh thần quật cường của quân và dân ta. Nơi vào thời nhà Đinh, Hoàng hậu Dương Vân Nga đã trao áo Long Bào cho tướng quân Lê Hoàn cầm quân đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống lần thứ nhất, làm nên chiến thắng vang dội trong lịch sử dân tộc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, quân giặc luôn tìm cách tiếp cận vị trí này để trấn giữ địa hình hiểm yếu. Dọc đường lên núi vẫn còn lô cốt với vết tích của bom đạn thời chiến tranh. Trên đỉnh núi có bức tượng của người chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi Lương Văn Tụy khi ấy mới 15 tuổi, đã nhận nhiệm vụ cùng hai đồng chí cộng sản khác giả người đi câu, bí mật trèo lên đỉnh núi để treo cờ búa liềm vượt qua rào vây của kẻ thù để cắm cờ trên núi Thuý vào năm 1929. Cũng trên núi này, thượng tá quân đội Giáp Văn Khương đã liều mình nhảy xuống sông Đáy để trốn thoát khỏi sự truy bắt của quân Pháp.

 Núi Non Nước lắng đọng bề dày trầm tích gắn với lịch sử hình thành vùng đất Ninh Bình. Núi Thúy – sông Vân ngày nay là công viên Thúy Sơn và trở thành hình ảnh biểu tượng độc đáo đặc trưng của thành phố Ninh Bình, là một địa chỉ du lịch lý thú cho du khách mỗi lần có dịp về thăm Ninh Bình.

Share This
COMMENTS
Comments are closed