Đà Nẵng đầu tư vào hoạt động quảng bá du lịch

 

        Để du lịch tiếp tục là thế mạnh trong tăng trưởng, hoạt động quảng bá để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến Đà Nẵng cũng là một yếu tố quan trọng. Và để đẩy mạnh quảng bá du lịch, thành phố có thể thực hiện các biện pháp như:

        – Triển khai các chương trình quảng bá du lịch Đà Nẵng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiến hành xuất bản các ấn phẩm, tập gấp, trang Website, phim du lịch, tạp chí du lịch, quầy thông tin du lịch về lịch sử văn hoá, di tích, danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc, các làng nghề, lễ hội… Trong đó đặc biệt chú trọng việc lồng ghép các chương trình tuyên truyền quảng bá du lịch với giáo dục du lịch toàn dân, bằng nhiều hình thức phong phú và sự kết hợp chặt chẽ với các thành viên trong hệ thống chính trị, mà trước hết là trong toàn Đảng bộ, trong các cơ quan quản lý nhà nước, trong đội ngũ lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp… làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về du lịch trong cộng đồng. Cần tuyên truyền quảng cáo hình ảnh sản phẩm du lịch một cách cụ thể để có tác dụng kích thích trực tiếp vào lợi ích của du khách, mặt khác cần tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cư dân thành phố trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, có ý thức giữ gìn môi trường cảnh quan các khu điểm du lịch… gắn với đó là lợi ích trực tiếp của mỗi người dân trên địa bàn có những hoạt động dịch vụ sầm uất, như cách mà Hội An (Quảng Nam) đã làm.

        – Xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến khai thác thị trường nhằm thu hút nguồn khách trực tiếp, đặc biệt là các khách đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật và các thị trường truyền thống như Pháp, Châu Âu, Mỹ… Đây là một công tác không đơn giản bởi lâu nay Đà Nẵng chỉ đóng vai trò một trung gian chuyển khách của hai đầu, do hạn chế về nhiều mặt mà trong đó chủ yếu hai yếu tố tài chính và con người cho xúc tiến tìm nguồn khách trực tiếp là hết sức mỏng và yếu, kể cả tìm nguồn khách du lịch nội địa. Vậy để làm được điều này cần phải có sự đầu tư trước hết là từ phía nhà nước, mà ở đây là chính quyền Thành phố Đà Nẵng và Tổng cục Du lịch Việt Nam, phục vụ cho chương trình xây dựng du lịch trở thành mũi nhọn của kinh tế thành phố và vai trò động lực cho sự phát triển. Không thể có chương trình kinh tế khả thi nếu nó không được nuôi dưỡng bằng nguồn kinh phí nhất định. Đặc biệt là đối với hoạt động quảng bá du lịch. Bên cạnh sự động viên tinh thần, những nhà hoạt động du lịch rất cần sự hỗ trợ vật chất cần thiết cho công tác xúc tiến giới thiệu du lịch thành phố tới thị trường nguồn khách. Ngoài ra, việc hỗ trợ thông qua các Hội chợ thương mại, các hoạt động của những đoàn công tác từ thành phố Đà Nẵng ra các tỉnh bạn hoặc đến các nước… cũng hết sức cần thiết tác động tới thị trường khách cho du lịch.

– Nâng cao nhận thức trong các ngành các cấp về vai trò động lực trong nền kinh tế của phát triển du lịch là điều hết sức cần thiết nhằm phối hợp sức mạnh và lợi thế của mọi lực lượng làm thông tin đối ngoại cho ngành du lịch, mặt khác tranh thủ sự giao lưu hợp tác quốc tế của các ngành để tuyên truyền quảng bá về đất nước, con người và những tiềm năng du lịch của thành phố Đà Nẵng.

– Ngoài ra việc thành phố thiết lập đại diện ở các thành phố lớn như Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số nước như Nhật Bản… trong thời gian qua cũng là điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến các hoạt động quảng bá về du lịch Đà Nẵng, mà các doanh nghiệp cần tranh thủ nắm bắt cơ hội đó để tìm kiếm lợi thế phát triển cho chính mình.

– Tính liên kết vùng miền cũng đóng vai trò rất quan trọng cho hoạt động này, và càng có nhiều lợi ích về kinh tế khi chúng ta chưa đủ sức vươn ra tìm kiếm khách trực tiếp. Ngành du lịch Đà Nẵng cần phối hợp với du lịch Huế, Quảng Nam tham gia các đoàn dự hội chợ quốc tế thông qua việc chung nhau tổ chức gian hàng “Hành trình di sản” ở Đức, Pháp… hoặc tham gia đứng chung trong gian hàng của Vietnamtourist được tổ chức thường niên ở các sân chơi du lịch quốc tế.

Share This
COMMENTS
Comments are closed